Friday, April 19, 2024

Lời đồn chích vaccine COVID-19 cho trẻ em: Tin giả làm phụ huynh lo sợ

 Trà Nhiên/Người Việt

LTS: Cơ Quan Y Tế Công Cộng California (CDPH) hợp tác cùng tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) để vận động chiến dịch chích ngừa của tiểu bang, California Vaccinate All 58 Campaign,” nhằm phổ biến thông tin chính xác về vaccine COVID-19 và khuyến khích phụ huynh cho trẻ em chích ngừa. Nhật báo Người Việt cũng tham gia vào chiến dịch bằng cách tập trung tìm hiểu nguyên do của những tin đồn về tác dụng phụ của vaccine, đồng thời ghi nhận ý kiến của chuyên gia y tế về vấn đề này.

Các em trong độ tuổi từ 5 đến 11 rất dễ lây lan virus nên các chuyên viên y tế khuyên phụ huynh cho con chích ngừa càng sớm càng tốt. (Hình minh họa: Trà Nhiên/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Đại dịch COVID-19 làm rúng động thế giới, trong đó vấn đề chích ngừa phòng dịch trở thành ưu tiên hàng đầu nhưng cũng tạo nhiều luồng dư luận trái chiều đối với vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, khi một số phụ huynh không tin vào vaccine làm ảnh hưởng đến công cuộc phòng bệnh, chữa bệnh cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Mỹ.

Tại sao một số phụ huynh nghi ngại vaccine COVID-19?

Cư dân gốc Việt là một trong các sắc dân chích ngừa đầy đủ ở Mỹ nhưng khi nghĩ đến việc chích ngừa cho con em thì đa phần các phụ huynh bày tỏ lo ngại vì loại vaccine còn quá mới, và việc có quá nhiều thông tin liên quan về phản ứng phụ của vaccine cũng khiến phụ huynh gốc Việt hoang man.

Bác Sĩ Thùy-Anh Nguyễn, giám đốc trung tâm y tế Southland Integrated Services Inc., Garden Grove, cho biết: “Cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con em mình nên dễ hiểu nếu họ phân vân về vaccine, bởi vì chính vaccine COVID-19 cũng mới mẻ với người lớn nên chích cho trẻ em lại càng khiến cha mẹ lo lắng.”

Ngoài việc lo lắng về độ an toàn của vaccine, một số phụ huynh lại nghi ngại rằng vaccine sẽ gây một số biến chứng cho con họ sau này.

Chị Ngọc Khanh, cư dân Fountain Valley, mẹ của bốn người con độ tuổi từ 6 đến 18, cho biết chị có quen một người bạn và cô ấy không cho con chích ngừa vì sợ bị vô sinh.

“Khi tôi hỏi người mẹ này là từ đâu cô nghe thông tin trẻ em bị vô sinh sau khi chích ngừa thì cô ấy nói là tin tức tràn đầy trên Internet,” chị Khanh bất bình.

Chị kể tiếp: “Tôi bèn kêu cô ấy nên hỏi kỹ lưỡng ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi quyết định thì cô ấy nói rằng bác sĩ nào mà không khuyên chích ngừa.”

Nhiều phụ huynh e ngại chích ngừa COVID-19 cho con vì có nhiều lời đồn xoay quanh vaccine. (Hình minh họa: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

Thông tin sai lệch, tin giả và mối lo sợ

Cô Phượng Trần, cư dân Westminster, cũng không cho con gái 7 tuổi chích ngừa vì cô không tin vaccine sẽ giúp ích được gì.

“Tôi biết là trẻ em có sức đề kháng cao nên nếu bị COVID-19 thì chỉ như cảm cúm thôi,” cô nói.

Cô Phượng chích ngừa đủ ba mũi vaccine vì công ty yêu cầu giấy chích ngừa để đi làm.

Chị Ngọc Khanh cũng tỏ ra thông cảm rằng có quá nhiều thông tin đầy rẫy trên Internet và mạng xã hội nên khó cho phụ huynh phân định tầm quan trọng cũng như lợi ích của vaccine cho trẻ em.

“Tôi tin CDC và tôi nghĩ đây là nguồn tin y tế và sức khỏe chính thống mà phụ huynh nên tham khảo. Bản thân tôi cũng hỏi thêm ý kiến chuyên môn của ba bác sĩ nhi khoa về vấn đề có hay không các bé sẽ bị vô sinh trước khi cho các con chích ngừa,” chị Khanh nói.

CDC là Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ, cơ quan thuộc Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh Hoa Kỳ, tập trung vào việc kiểm soát hệ thống phòng chống bệnh tật, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm, với việc cung cấp thông tin y tế phổ quát cho người dân.

Các con của chị Khanh đã chích ngừa đầy đủ. Bé gái gần 8 tuổi chuẩn bị chích ngừa mũi tăng cường trong vài ngày tới.

Cô Vicky Ngô, giám đốc chương trình thuộc trung tâm Southland, nêu ý kiến: “Có thể những phụ huynh bất mãn với vaccine, không cập nhật thông tin chính xác từ CDC mà nghe truyền miệng từ người này sang người khác. Theo tôi, hãy nên vào trang y tế của CDC để hiểu rõ hơn về vaccine hay hỏi chính bác sĩ gia đình của mình để có thông tin chính xác.”

Cô Vi Nguyễn, cư dân Garden Grove, đã cho con gái 13 tuổi chích ngừa đầy đủ nhưng bộc bạch sẽ không cho con trai 4 tuổi chích ngừa ở thời điểm này.

“Tôi hoàn toàn tin vào khoa học và vaccine!” cô Vi nhấn mạnh.

“Tôi luôn cập nhật các thông báo của CDC để có biện pháp phòng bệnh cho các con. Còn lý do tôi hơi lưỡng lự chích ngừa cho con trai vì bé còn nhỏ và hay bệnh. Tôi tự tin mình luôn dùng các biện pháp khuyến cáo của CDC để bảo vệ hết mức cho hai con. Bây giờ biến thể COVID-19 cũng nhẹ nên tôi không quá lo,” cô Vi bày tỏ.

Cô cũng nói thêm rằng thông tin tràn lan trên “social media” và truyền miệng nên khiến cho thuyết âm mưu càng thêm “lây lan.”

“Chúng ta phải biết phân loại thông tin và nghe theo nguồn chính thống như CDC, các chuyên gia y tế và bác sĩ,” cô Vi cho biết.

Đồng tình với cô Vi, anh Khang Nguyễn, mới dọn đến Costa Mesa nói rằng nhiều phụ huynh không tin vào vaccine vì một phần cũng do truyền thông phân luồng.

Anh cho rằng phụ huynh sợ vaccine không an toàn vì đa phần chưa tìm hiểu kỹ mà chỉ nghe trên Facebook, YouTube hoặc những người bạn.

Anh Khang thêm: “Một vài người bạn làm chung với tôi cũng thường nói rằng thôi không cho con chích vì sợ bị này, bị nọ. Khi tôi hỏi cụ thể là bị gì thì họ không trả lời được. Kiểu như ‘à tôi mới nghe đứa nhỏ kia chích rồi bị chết đó,’ nhưng những người này không nêu được lý do vì sao.”

Để trả lời cho việc vì sao một số phụ huynh lại tin vào những tin đồn xoay quanh vaccine, anh Khang bất bình: “Có bao giờ trong khoảng ba năm đổ lại đây mà người Mỹ lại tin thuyết âm mưu là COVID-19 không có thật chứ không tin vào các chuyên gia y tế như Dr. Fauci và các khoa học gia khác?”

Anh tiếp: “Theo tôi, một phần nhỏ là do tôn giáo và phần còn lại chính là truyền thông bị phân cực. Một số kênh truyền thông lại đi cổ xúy cho thuyết âm mưu khiến một số người dân mù quáng tin vào một cách cực đoan.”

Con gái anh Khang Nguyễn, bé Viên Nguyễn, 8 tuổi, khoe thẻ vaccine sau khi chích ngừa COVID-19. (Hình: Khang Nguyễn cung cấp)

Vaccine COVID-19 cứu sống nhiều người quan trọng hơn các biến chứng hiếm gặp

Anh Khang có cô con gái 8 tuổi đã chích ngừa đầy đủ. Anh cũng có cậu con trai 3 tuổi, và dự định cho bé đi chích một khi Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) thông qua vaccine cho bé từ 6 tháng đến 4 tuổi.

Anh tiếp: “Tôi tham khảo nhiều nguồn sách báo, chỉ dẫn của CDC, và các ca phản ứng phụ sau khi chích và quyết định cho bé chích ngừa vì tôi nghĩ nó tác dụng nhiều hơn tác hại. Việc các con được phòng tránh virus và phòng triệu chứng hậu COVID-19 tốt hơn nhiều so với việc bị các phản ứng phụ không đáng kể.”

“Tôi hoàn toàn tự tin khi cho con gái đi học hoặc đi ra ngoài các sự kiện công cộng vì bé chích ngừa đầy đủ và bé cũng không có phản ứng phụ nào ngoài đau tay. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống y tế của Hoa Kỳ!,” anh tâm sự.

Đó cũng chính là lý do chị Ngọc Khanh cho bốn người con chích ngừa vì chị tin tưởng độ an toàn của vaccine.

“Vaccine phòng dịch cho trẻ em đúng là phải triển nhanh trong thời gian ngắn khi COVID-19 bùng nổ, nhưng đây là nỗ lực dựa trên nền tảng nghiên cứu nhiều năm. Thêm vào nữa, tôi tin tưởng một chính phủ không thể làm nguy hại thế hệ tương lai nên vaccine là tốt nhất và an toàn nhất để phòng bệnh cho các bé,” chị Khanh cho hay.

Trung Tâm Y Tế Southland, Garden Grove, thường có buổi chích ngừa COVID-19 mỗi Thứ Sáu cho người lớn và trẻ em. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ và các chuyên gia y tế

Chị Khanh cho biết thêm rằng ngoài tham khảo các nguồn tin y tế, chị cũng đã hỏi kỹ ba vị bác sĩ trước khi cho con chích ngừa.

“Tôi tham khảo các bác sĩ nhi khoa, người có chuyên môn y tế chứ không hỏi trên mạng. Nếu phụ huynh vẫn còn tần ngần về việc chích ngừa thì nên hỏi bác sĩ để yên tâm hơn,” chị Khanh nói.

Cô Trang Lương, cư dân Westminster, có ba người con ở độ tuổi 5, 7, và 9, cho biết: “Tôi hoàn toàn tin vào hệ thống y tế của Mỹ.”

“Tôi hiểu là không có gì chắc chắn 100% nhưng vaccine có thể ngăn ngừa COVID-19 một phần nào nhằm giúp nhiều người, và giúp xã hội hoạt động bình thường lại hơn. Các con tôi chích ngừa hai mũi hết rồi để phòng ngừa virus, mà nếu con có bị lây thì cũng bị triệu chứng nhẹ hơn là không chích,” cô Trang cho biết.

Cô Trang cũng chia sẻ rằng sau khi chích ngừa một thời gian, cô và con gái 9 tuổi cũng bị nhiễm COVID-19.

“Bé lúc đó cũng ho và đau họng nhưng triệu chứng rất nhẹ và nhanh hết,” cô kể.

Một buổi biểu tình của phụ huynh yêu cầu FDA sớm thông qua vaccine chích ngừa cho trẻ em dưới 5 tuổi ở Washington, DC, hồi Tháng Năm. (Hình: Jemal Countess/Getty Images for Protect Their Future)

Công cuộc chích ngừa cho trẻ em

Hôm 29 Tháng Mười, 2021, FDA chuẩn thuận vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 để chích cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Hôm 17 Tháng Sáu, 2022, FDA cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của hãng Moderna và Pfizer cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Theo FDA, chích vaccine là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ toàn diện sức khỏe của cả gia đình.

Nhiều tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ hôm 22 Tháng Sáu tuyên bố mở rộng chích ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, theo một thông cáo báo chí do Bộ Y Tế California đưa ra.

Theo thông cáo, Bác Sĩ Mark Ghaly, bộ trưởng Y Tế California, và Bác Sĩ Tomas Aragon, giám đốc Cơ Quan Y Tế Công Cộng California, có đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ đề nghị của Nhóm Nghiên Cứu Đánh Giá An Toàn Khoa Học Miền Tây Hoa Kỳ, CDC, Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ và FDA, trong việc cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) loại vaccine COVID -19 là Pfizer-BioNTech và Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi.

Thông cáo thêm: “Mặc dù trẻ nhỏ mau phục hồi sức khỏe, nhưng số trẻ em dưới 4 tuổi nhập viện vì COVID-19 cao gấp năm lần trong làn sóng dịch bệnh từ chủng Omicron so với thời kỳ Delta, và 1/5 trẻ em nhập viện vì COVID-19 cũng được đưa vào ICU. COVID-19 đã trở thành một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em và vaccine giúp những ca tử vong này có thể ngăn ngừa được. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đưa con em chúng ta đi chích ngừa là an toàn nhất, để bảo vệ trẻ em khỏi những hậu quả xấu nhất của COVID-19, bao gồm nhập viện, bị hội chứng COVID-19 kéo dài, và bị Hội Chứng Viêm Đa Hệ Thống Trẻ Em (MIS-C).” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT