Saturday, December 21, 2024
HomeVietnameseCovid 19 VietnameseChúng ta đã hết cần khẩu trang chưa? Ba chuyên gia xem...

Chúng ta đã hết cần khẩu trang chưa? Ba chuyên gia xem xét những phát hiện mới nhất về vấn đề này

A new study finds masks do little to prevent the spread of viruses like the flu and Covid, and that hand washing and vaccines offer more protection.

Vấn đề đeo khẩu trang để phòng ngừa virus vẫn còn là một điều tranh cãi giữa các chuyên gia y tế – người cho rằng cần thiết, người cho rằng khẩu trang không hữu hiệu và bác bỏ các kết quả xét nghiệm khẩu trang trước đây là đã không được thực hiện theo đúng nguyên tắc khoa học.  

Một nghiên cứu mới bao gồm một mạng lưới các nhà nghiên cứu y tế quốc tế đã xem xét 78 nghiên cứu theo đúng nguyên tắc thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled test) đã kết luận rằng việc đeo khẩu trang ít hoặc không có tác dụng ngăn ngừa lây lan bệnh cúm, COVID hoặc các bệnh về đường hô hấp khác.

Tổ chức hợp tác Cochrane đã công bố phát hiện của họ trong một báo cáo vào tháng 1 năm 2023, cho thấy việc rửa tay thường xuyên có tác dụng nhiều hơn là đeo khẩu trang để ngăn ngừa nhiễm virus. 

Tại cuộc họp báo EMS ngày 3 tháng 3, ba chuyên gia y tế đã chia sẻ quan điểm về hiệu quả của việc đeo khẩu trang theo nghiên cứu Cochrane. Ngoại trừ những bệnh nhân dễ bị tổn thương nên đeo khẩu trang để có thêm một lớp bảo vệ, cả ba bác sĩ đều đồng thuận là hãy quên khẩu trang đi và hãy chích ngừa để được bảo vệ tốt hơn.

Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không đánh mất niềm tin khi các giới chức y tế công cộng thay đổi quan điểm về khẩu trang, hay bất cứ lời khuyên nào, vì họ phải dựa vào những dữ kiện hay kiến thức y học có được ở thời điểm đó; với thời gian, những dữ liệu thu thập được thay đổi thì lời khuyên của họ cũng phải thay đổi theo dựa trên các nghiên cứu khoa học mới nhất.

Khẩu trang không phải là phép mầu

Bác sĩ William Schaffner, giáo sư tại Trường Y khoa Đại học Vanderbilt, đã bắt đầu phiên họp bằng cách mô tả những thách thức khi thực hiện các nghiên cứu về khẩu trang ngay từ đầu, cho dù trong môi trường y tế hay trong cộng đồng. “Bạn không thể lúc nào cũng theo dõi mọi người về hành vi đeo khẩu trang của họ. Và tất nhiên (khẩu trang) phải được đeo đúng cách, làm bằng vật liệu tốt như N95,” ông nói.

Trong khi nhiều nhà nghiên cứu đã xem xét nhiều phương cách và dụng cụ để giúp ngăn ngừa nhiễm virus, thì các nhà nghiên cứu Cochrane đã đánh giá những kết quả nghiên cứu về ba biện pháp can thiệp: loại khẩu trang mà bác sĩ và y tá đeo khi giải phẫu bệnh nhân, mặt nạ phòng độc P2 và khẩu trang N95, và vệ sinh tay.

Bs Schaffner cho biết dựa trên kết quả của nghiên cứu Cochrane, họ không chắc liệu khẩu trang có giúp làm chậm lại sự lây lan của vi-rút hay không nhưng quyết định vệ sinh tay “có thể giúp làm chậm sự lây lan của vi-rút đường hô hấp”.

Bác sĩ Schaffner cũng chỉ ra rằng trong hầu hết các trường hợp, việc đeo khẩu trang đi kèm với việc giữ khoảng cách an toàn trong xã hội và… “ở một số cộng đồng, chúng ta đã ở trong tình trạng phong tỏa, chúng ta đã ở nhà. Vì vậy, thật khó – và thực sự là không thể –  xác định được tỷ lệ giảm COVID do khẩu trang là bao nhiêu so với các yếu tố khác.

Tuy nhấn mạnh rằng “khẩu trang không phải là phép mầu,”ông vẫn khuyên những người thuộc nhóm có nguy cơ cao có thể bắt đầu đeo lại chúng vào mùa cúm tới. “Cá nhân tôi do lớn tuổi nên vẫn đeo khi tới nơi công cộng, như sáng nay đi mua đồ ở tiệm tạp hóa,” ông cho biết. “Vì nó cung cấp thêm một lớp bảo vệ cho tôi, một người rất dễ bị tổn thương, khỏi bị lây nhiễm từ người khác.”

Không còn quy định phải mang khẩu trang

Bác sĩ Monica Ghandi, Giáo sư Y khoa kiêm Phó Trưởng phòng HIV, Bệnh truyền nhiễm và Y học Toàn cầu tại UCSF ở San Francisco cho biết: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với công chúng nữa.”

Bà ghi nhận một nghiên cứu về khẩu trang của Đan Mạch khi không có quy định bắt buộc nào có hiệu lực vào thời điểm đó, và hai nghiên cứu khác ở Bangladesh và Guinea-Bissau nơi toàn bộ dân làng đeo mặt nạ. Nghiên cứu cho thấy “có rất ít hiệu quả” trong việc đeo khẩu trang.

Trong đợt bùng phát dịch Delta, Quận Cam, California không áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang nhưng Quận LA gần đó thì có. “Và không có sự khác biệt về tỷ lệ lây truyền hoặc tử vong. Điều rất quan trọng là tỷ lệ chích ngừa đã tạo nên sự khác biệt,” Bs Gandhi nói.

Bà khuyên, điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm trong đại dịch là chích ngừa. “Còn việc đeo khẩu trang là một lựa chọn cá nhân, thay vì bắt buộc.”

Cuốn sách xuất bản gần đây của Bs Gandhi, Endemic, nói về việc chính trị hóa chính sách y tế công cộng, và điều này nên tránh. Tuy nhiên, khi chưa có đủ dữ liệu như thuở đầu của đại dịch, các quyết định đeo khẩu trang hay mở cửa kinh tế, cách ly xã hội đã bị chính trị hóa.  

Bác sĩ Mina Hakim, chuyên gia nhi khoa tại Trung tâm Y tế Gia đình vùng Trung Nam ở Los Angeles, cũng đưa ra quan điểm tương tự về khẩu trang từ “dưới chiến hào”, có nghĩa là lệnh đeo khẩu trang là một lựa chọn cá nhân.

Ông cho biết: “Kết quả của nghiên cứu rất rõ ràng rằng khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang N95, không tạo ra sự khác biệt trong việc lây truyền Covid hoặc cúm.

“Mặt nạ là một phần nhỏ của tấm khiên lớn hơn nhiều mà chúng ta có để chống lại COVID. Tôi sẽ sử dụng phần lớn hơn của lá chắn, đó là vắc-xin và tôi sẽ không khuyên dùng khẩu trang cho người dân nói chung,” Bs Hakim nói thêm. Giống như Schaffner và Gandhi, ông khuyên chỉ đeo khẩu trang cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Trẻ em và khẩu trang

Bs Hakim cho biết nghiên cứu Cochrane đã xem xét một số nghiên cứu dành riêng cho trẻ em và những kết quả đó thậm chí còn rõ ràng hơn.

“Trẻ em là những người tệ nhất trong việc giữ bất cứ thứ gì trên người mình. Bạn sẽ thật may mắn nếu có một đứa bé mặc quần vào cuối ngày chứ đừng nói đến việc đeo khẩu trang làm tăng độ ẩm, khó thở hơn và nói chung là không thoải mái,” Bs Hakim nói.

“Chúng liên tục chạm vào đồ vật, lau mũi, tháo khẩu trang để ăn uống. Chúng chia sẻ bút chì và bút mực mà những đứa trẻ khác đã ngậm vào miệng. Và thanh thiếu niên rất tệ trong việc tuân thủ,” ông nói thêm.

Cả ba bác sĩ đều khuyên những người dễ bị tổn thương nên đeo khẩu trang.

“Nếu chúng ta có thể cung cấp khẩu trang, đặc biệt là cho những người có nguy cơ cao, tôi nghĩ điều đó có thể…tăng sự tin tưởng vì chúng ta không áp đặt việc đeo khẩu trang mà chỉ cung cấp để mọi người cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn rằng đó là một điều tốt, nên làm,” Bs Hakim chia sẻ.

Cả ba diễn giả đều đồng ý rằng khi các nghiên cứu như báo cáo của Cochrane tiết lộ những phát hiện mới về hiệu quả của việc chăm sóc phòng ngừa, thì công chúng vẫn nên vững tin vào những giới chức và chuyên gia y tế có tấm lòng phục vụ và lấy các quyết định hoàn toàn dựa trên nền tảng khoa học. 

“Một trong những điều khó hiểu nhất đối với công chúng là chúng tôi sẽ đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn hôm nay nhưng nếu chúng tôi học được điều gì đó tối nay, chúng tôi có thể phải thay đổi lời khuyên đó vào ngày mai, và đây là một tiến trình bình thường,” BS Schaffner nói.

Khi được hỏi trong trường hợp một đại dịch xảy ra mà chưa có vaccine thì có nên đeo khẩu trang không? Các bác sĩ đều nói vẫn là một chọn lựa cá nhân, đặc biệt rất nên cho những người dễ bị tổn thương, những người lớn tuổi.

Các chuyên gia cũng cho rằng khi đã chích ngừa đầy đủ thì việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng trở nên không bắt buộc, nhất là trên máy bay, nơi hệ thống lọc không khí rất tốt, nhưng vẫn là lựa chọn cá nhân và nên làm cho những người mà hệ miễn nhiễm yếu kém.

Kết luận

Ba chuyên gia y tế trong buổi họp báo ngày 3/3 do EMS tổ chức đã khuyên mọi người nên chích ngừa đầy đủ với các mũi vaccine tăng cường cập nhật để bảo vệ sức khỏe và sinh mạng. Vaccine vẫn là phương pháp tốt nhất để chống COVID. Khi tới nơi công cộng và không phải ngoài trời, hoặc tụ họp đông người trong nhà, những người dễ bị tổn thương vì tình trạng sức khỏe kém hoặc cao niên nên đeo khẩu trang để có thêm được một phần lá chắn bảo vệ chính mình.  

Social Ads | Community Diversity Unity

Info Flow